So sánh sản phẩm

8 cách để đưa ra nhận xét hữu ích cho ngành sáng tạo

8 cách để đưa ra nhận xét hữu ích cho ngành sáng tạo


1. Hãy cụ thể

Tránh những lần xét duyệt không cần thiết gây bực dọc bằng cách đưa ra phản hồi rõ ràng và cụ thể. Nói rằng bạn thích hoặc không thích thứ gì đó hoặc chúng “sao sao ấy” không phải là cách hữu dụng khi thiếu vắng ngữ cảnh. Hãy dành thời gian để suy nghĩ điều gì đang ẩn nấp đằng sau ấn tượng ban đầu của bạn. Liệu bản thảo có quá sa lầy vào việc sử dụng những biệt ngữ? Liệu đoạn văn có khó đọc? Liệu layout này quá dày đặc? Hãy nói như thế đó. Nếu người đồng nghiệp sáng tạo của bạn biết tại sao bạn thích hay không thích nó, họ sẽ chuẩn bị tốt để chuyển sang hướng đi đúng đắn lần sau.

Tương tự, những câu nói như “Hãy xào nấu thêm nữa”, “Sáng tạo lên nào”, hay “Đưa nó lên tầm cao mới,” chỉ có tác dụng làm họ trở nên bối rối khi cố gắng giải mã những ngữ nghĩa của bạn. Và trong lần duyệt tới, bạn sẽ gần như nhận ra rằng mình và nhóm sáng tạo có những ý tưởng hoàn toàn khác nhau về định nghĩa “tươi mới” hoặc “táo bạo” sẽ trông như thế nào.

Đưa ra lời nhận xét cho ngành sáng tạo thật sự rất đáng sợ, đặc biệt khi nó nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của bạn. Nếu bạn đang vật lộn để có thể truyền tải rõ ràng những gì mình muốn, hãy tìm kiếm những ví dụ có thể diễn giải cho những gì bạn tìm và giải thích tại sao bạn yêu mến chúng. Nếu không có ví dụ và tư liệu tham khảo, thậm chí lời phản hồi cụ thể nhất cũng có thể đánh lạc hướng bất cứ ai.

2. Tìm ra vấn đề, không phải cách giải quyết

Chia sẻ những ý kiến của bạn, nhưng đừng cầm tay chỉ việc. Có một sự khác biệt lớn giữa việc trở nên cụ thể và đưa ra hướng giải quyết. Nhiều người sáng tạo sẽ làm việc hiệu quả hơn khi họ được có khoảng không gian riêng cho sự sáng tạo của mình. Đây là lĩnh vực chuyên môn của họ. Bạn chẳng cần thuê họ để trở thành một nhà phiên dịch hoặc một người bấm-chuột được tán dương. Hãy tin rằng họ biết mình đang làm gì - và họ có thể sẽ đem đến một giải pháp tốt hơn.

Nói ra điều này không có nghĩa rằng người sáng tạo không tồn tại những điểm mù. Nhưng thay vì cố gắng tự thiết kế hoặc viết lại thứ gì đó, hãy cố gắng giải thích điều gì khiến bạn thấy nó không ổn. Chẳng hạn, đừng nói “Làm cho cái logo to lên.” Thử giải thích tại sao bạn muốn nó to lên. Hình như nó hơi chìm so với tờ giấy thì phải? Hình như nó chưa thể hiện rõ lắm thông điệp? Một khi bạn đã nói ra vấn đề, nhà thiết kế của bạn sẽ nhìn thấy một hướng giải quyết tinh tế hơn về màu sắc, bố cục, và khoảng nghỉ.

Khi bạn đang tranh luận những hướng đi khác với nhóm làm việc, cách tiếp cận tập trung vào vấn đề cũng sẽ mời gọi thêm những sự hợp tác có lợi khác. Nếu bạn nói, “Tôi nghĩ logo nên màu cam và xanh,” cuộc hội thoại có thể không biến chuyển sang hướng logo có nên sử dụng màu cam hoặc xanh hay không. Nhưng nếu bạn nói, “Tôi không nghĩ tông màu này thích hợp với đặc trưng của công ty,” bạn sẽ mời gọi được một cuộc thảo luận về đặc trưng công ty là gì và những màu nào sẽ thể hiện tốt chúng.

3.Tập trung vào mục tiêu

Phần lớn chúng ta là những cỗ máy sản-sinh-ý-kiến, rồng bay phượng múa trong việc bắn liên tục những bình luận về phim truyện và hình ảnh trên Instagram. Nhưng đến khi cần những lời phản hồi cho ngành sáng tạo trong buổi họp kinh doanh, bạn cần phải để gu thẩm mỹ cá nhân ở lại ngoài cửa và tập trung vào người tiêu dùng chính và mục tiêu của dự án. Điều này có lẽ là một trong những thứ khó nhất và quan trọng nhất trong quá trình đưa ra hướng đi sáng tạo hữu ích.

Để giúp cho những cảm xúc và thiên kiến tránh xa khỏi bài toán, luôn luôn hỏi bản thân mình rằng phiên bản hiện tại có đang nhắm đúng vào mục đích kinh doanh không. Và hình thành phản hồi từ đó.

Một câu trả lời, như “Tôi ghét tông xanh trong phim,” thì thật không hữu dụng lắm. Ngược lại nếu bạn nói, “Tôi cảm thấy nguồn sáng tối trong đoạn clip này sẽ không thể lột tả được thế hệ Y năng động mà chúng ta đang hướng tới,” thì đây, sự sai lệch giữa mục tiêu cuối cùng và phiên bản hiện tại đã rõ ràng.

4.Đặt câu hỏi

Phần lớn những quy trình sáng tạo là quá trình đẽo gọt những lựa chọn. Nếu thứ gì đó khiến bạn không thể chấp nhận được hoặc nếu bạn bối rối bởi một quyết định đã đưa ra, thử hỏi nhà văn hoặc người thiết kế chỉ cho bạn thấy lý lẽ của họ. Đặt ra câu hỏi sẽ giúp bạn có cái nhìn thấu đáo hơn vào quan điểm của đối phương và giúp bạn khám phá rằng phiên bản của họ giải quyết được nhiều vấn đề tiềm tàng mà bạn chưa suy xét đến. Tương tự, những câu hỏi của bạn có thể giúp họ nhìn thấy những kẽ hở trong tác phẩm của mình mà họ chưa thể để ý.

Việc đặt câu hỏi còn là cách đảm bảo để hoán chuyển một lời phê bình một chiều trở thành cuộc đối thoại. Bắt đầu cuộc hội thoại thể hiện rằng bạn tôn trọng và đề cao chuyên môn của người làm việc chung với mình, khuyến khích những sự hợp tác xa hơn, sẽ thường hướng đến việc tạo ra một sản phẩm cuối cùng hoàn thiện hơn.

5.Tránh đưa ra bình luận qua đường

Bất kể dù bạn đang hớn hở đỉnh điểm như thế nào, đừng tạo bất ngờ cho mọi người bằng những lời bình luận ngang qua. Công sức của họ có thể đang trong quá trình định hình, và thời khắc phê bình vội vã của bạn có thể khiến họ phí hoài thời gian vã mồ hôi để bảo vệ ý tưởng mà họ sẽ sớm thải hồi.

Hãy bỏ qua những áp lực và bực dọc không cần thiết này bằng cách chờ đợi đến khi tác phẩm sẵn sàng được duyệt qua. Sau đó dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo những phản hồi của bạn và hẹn một cuộc gặp để thảo luận. Cách này sẽ tạo cơ hội cho mọi người chuẩn bị tinh thần tốt hơn.

6.Thống nhất phản hồi của bạn

Không gì tệ hơn việc người làm sáng tạo phải thu nhận rất nhiều phản hồi từ cả một tập thể. Sự hợp tác có thể dẫn đến bứt phá sáng tạo, nhưng một mớ hỗn độn những nhận xét chỉ dẫn đến sự bối rối mà thôi. Nếu sản phẩm cuối cùng cần sự đồng thuận của nhiều người, tập hợp họ lại và phân loại tất cả các ý kiến trước khi chia sẻ chúng với nhà thiết kế hoặc nhà văn.

Đặc biệt lưu tâm rằng nên loại bỏ những quan điểm trái chiều, ý kiến bất đồng về mục tiêu, và bất cứ những bình luận nào không có tính xây dựng. Bạn nên chọn lọc những nguồn ý kiến thu hút mình. Chỉ nhận những phản hồi chặt chẽ từ người chủ chốt. Sau đó phiên dịch nhận xét đã chỉnh sửa thành một văn bản súc tích (từng luận điểm tương ứng với từng chấm tròn sẽ trực quan hơn một chuỗi đoạn văn dài) với những bước tiếp theo rõ ràng và khung thời gian.

Tương tự, nếu vài người sẽ tham gia họp mặt để thảo luận về vấn đề cũ, hãy cân nhắc về việc hạn chế hơn ba người cho ý kiến. Bạn có thể sẽ muốn tổng hợp những câu trả lời khác nhau của nhóm trước đó và phiên dịch chúng thành dạng tài liệu mạch lạc. Sau cuộc họp, tiến hành tóm tắt lại cuộc thảo luận thành dạng văn bản, để mọi người không phải lục tìm trong trí nhớ của mình khi cần.

7.Đừng quên giải thích rằng bạn thích gì

Một điều không may thường xảy ra khi mọi người bắt đầu bình luận: họ thường quên nhắc đến những điểm mình thích. Thậm chí khi bạn nghĩ rằng dự án đã gần như hoàn hảo, sẽ rất dễ để chỉ tập trung vào những thứ cần chỉnh sửa. Thảo ra danh sách dài những điều cần thay đổi sẽ khiến bạn rất hăng hái. Nhưng nên nhớ rằng quan trọng là những chi tiết đắt giá mới cần được đánh bóng hơn nữa. Chúng sẽ giúp mọi người biết nên đi theo hoặc đào sâu theo định hướng nào.

Và, đương nhiên, nghe một vài lời khen đều khiến mọi người dễ chịu. Điều này không đồng nghĩa với việc nhóm sáng tạo là những bông hoa cần được nâng niu. Sau khi làm việc chăm chỉ để dự án được tốt đẹp, một danh sách thườn thượt những chi tiết cần chỉnh sửa sẽ làm choáng ngợp họ. Công nhận thời gian và sức lực mà họ đã đổ ra trong từng tác phẩm và chỉ cho họ thấy những điểm mạnh sẽ giúp mối quan hệ làm ăn của bạn vững mạnh và tăng nhuệ khí của mọi người.

8.Hãy nói chuyện trực tiếp và thẳng thắn

Bạn có thể đã nghe về lý thuyết bình luận kiểu “sandwich” (khen - chê - khen). Mặc dù chia sẻ thứ nào đang tốt là quan trọng, bạn có thể quăng cách “tiếp cận sandwich” này vào sọt rác. Sẽ kỳ cục, không trung thực, và thật là trẻ con: bắt đầu bằng một lời khen và sau đó xổ một tràng những lời than phiền chỉ để tóm gọn mọi thứ với một lời khen khác sẽ không giúp phần bình luận bớt bốc mùi hơn. Thói quen này thậm chí còn khiến việc chia sẻ những phản hồi tích cực trở thành một nghĩa vụ chiếu lệ trước khi thật sự bắt đầu nói chuyện công việc.

Hãy bình luận thẳng thắn nhẹ nhàng, nhưng đừng lo lắng. Bạn đang phản hồi cho những người chuyên nghiệp. Họ sẽ không co rúm lại dưới lời phê bình của bạn, và họ sẽ không để bụng chúng đâu nếu bạn không có ý công kích cá nhân.

Thay vì ép khung những nhận xét tích cực trở thành một điều lệ, hãy chú ý vào tông giọng và cách dùng từ của bạn. Nói rằng bạn thấy điều gì đó khó hiểu sẽ tốt hơn nghìn lần việc phát biểu “Sẽ chẳng ai hiểu thứ này đâu.” Và, như bất cứ người tư vấn tâm lý nào sẽ khuyên, tránh sử dụng từ “bạn” trong khi nói và thay vào đó bằng cách nói về tác phẩm. Điều này có thể nghe quen tai đối với nhiều người, nhưng sự tế nhị thì luôn được tôn trọng.

Hãy nhớ rằng bạn và nhóm sáng tạo đều mong muốn tạo ra tác phẩm tốt nhất có thể. Họ đầu tư rất nhiều mồ hôi và công sức vào tác phẩm của mình và xứng đáng được nghe những lời phản hồi tâm huyết. Bằng cách mào đầu một cuộc hội thoại mở, tiếp đó củng cố những nhận xét của bạn về mục tiêu dự án, và kèm theo những nghi thức xã giao cơ bản, cùng với tất cả bạn sẽ nâng tầm được bất cứ dự án nào từ tốt trở thành tuyệt vời.
Tags:,